CHUYỆN TÌNH KỲ LẠ, TRONG CUỘC ĐỜI CAY ĐẮNG CỦA MẸ

Thảo luận trong 'Chuyện lạ đó đây' bắt đầu bởi Anonymous, 6/10/12.

Lượt xem: 859

  1. Anonymous

    Anonymous Khách

    Chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời đắng cay của mẹ



    Cách đây không lâu, tôi đọc trên tờ CSTC tuần số 120-121 tháng 8 năm 2012, hai kỳ liên tục về câu chuyện của chị Nguyễn Thị Phương. Người phụ nữ bị liệt giường nằm một chỗ trong 9 năm trời đã viết tự truyện về cuộc đời mình, trong đó kể về tình yêu kỳ lạ với chồng chị ấy là anh Trương Văn Chín. Một người đàn ông khoẻ mạnh bình thường đã vì tình yêu, lòng thương sâu sắc mà hy sinh cuộc đời, chấp nhận làm chồng một người con gái tật nguyền không có khả năng tự chăm sóc bản thân. Hạnh phúc của họ đã đơm hoa kết trái trong một phép nhiệm mầu không thể tin nổi. Đó là họ có chung một đứa con được sinh ra từ tình yêu, từ sự chịu đựng nỗi thống khổ cả về thể xác của người mẹ bị liệt nửa người dưới từ eo lưng trở xuống, và từ sự hy sinh cao thượng, tình thương mênh mông như biển lớn của người cha. Có lẽ ông trời đã vén niềm thiêng ban xuống cuộc đời cảm động về tình yêu, lòng thuỷ chung của họ một thiên thần bé nhỏ đủ để sưởi ấm cho hai con người bất hạnh nhưng lại vô cùng hạnh phúc.

    Tôi đọc và đã khóc rất nhiều. Tôi nhớ đến mẹ tôi, người đàn bà có ít nhiều số phận và hoàn cảnh giống Phương. Tất nhiên dẫu tận cùng của bất hạnh là bị liệt cả hai chân như nhau thì cuộc đời của mẹ tôi vẫn éo le và đau đớn hơn nhiều, ghềnh thác hơn nhiều. Ngày xưa, tôi cứ nghĩ câu chuyện của mẹ tôi là một câu chuyện hy hữu, khó có thể có câu chuyện thứ hai tương tự như vậy trên đời. Nhưng hoá ra, trong cuộc đời này, tôi không ngờ còn có nhiều những câu chuyện về tình người kỳ lạ đến như vậy, nhất là trong thời buổi cuộc sống quá nhiều lo toan như lúc này…Tôi quyết định viết lại câu chuyện cuộc đời của mẹ, với một hy vọng rằng, nếu được đăng, câu chuyện của mẹ tôi sẽ góp thêm một ánh sáng nhỏ nhoi nhưng vô cùng đẹp đẽ và thuần khiết về lòng thiện của con người.

    Cha mẹ tôi học cùng lớp cả 10 năm học, nghĩa là từ lúc đi mẫu giáo, lên vỡ lòng cho đến lúc mỗi người thi đỗ vào một trường đại học và trung cấp, rồi trọ học xa ở trên tỉnh. Mẹ tôi kể lại rằng, chuyện của mẹ quá éo le. Cha mẹ tôi đến với nhau trong bộ ba của tình yêu. Ngày ấy mẹ tôi là cô thiếu nữ Bí thư Chi đoàn lớp, học giỏi, xinh đẹp, hát hay nổi tiếng cả trường huyện. Còn cha tôi chỉ là một học sinh bình thường trong lớp. Đặc điểm nổi bật nhất của cha là ít nói, sống thu mình lặng lẽ và ít ai để ý nhất ở trong lớp. Lớp của mẹ gọi cha là “kẻ vô tiếng, vô hình”. Trái khoáy là cha lại đem lòng si mê mẹ, cô bí thư yêu kiều của lớp. Nhưng mẹ tôi, hình ảnh chiếm trọn trong trái tim mẹ là anh Bí thư Đoàn trường đẹp trai và chưa có gia đình, là giáo viên dạy văn lớp 10 của trường mẹ học. Thế nên mặc cho cha tôi ngày ngày vẫn lẽo đẽo đi theo sau bóng mẹ như một người si tình, chờ mẹ đi học về chỉ để nhìn mẹ một lúc, hay cả buổi tối đến nhà mẹ để chỉ được nhìn thấy mẹ rồi trở về, thì mẹ tôi vẫn chỉ coi cha tôi như người bạn tốt. Tình yêu tay ba của mẹ bắt đầu từ đấy.

    Lớp 10, cuối cấp 3 mà mẹ đã lén lút vụng trộm lao vào yêu đương như thiêu thân lao vào lửa. Càng yêu, mẹ càng quyết tâm học để thi vào Trường Đại học Sư phạm, Khoa Văn, để có thể sánh vai và xứng đáng với người yêu của mình. Nhưng tình yêu, thần tượng của mẹ không như mẹ đã dệt nên màn sương lung linh huyền ảo. Mẹ vào đại học, xa mặt cách lòng, khi mẹ hối hả từ Trường Đại học V, vượt 60km về trường cũ ở quê nhà để báo tin cho người yêu hậu quả cái thai trong bụng khi lỡ vượt rào ăn cơm trước kẻng, thì mẹ cay đắng, choáng váng phát hiện ra, có một nữ Bí thư Chi Đoàn xinh đẹp và trẻ trung như mẹ của hai năm về trước đang quấn quýt bên thầy giáo Bí thư Đoàn trường, người yêu của mẹ. Dẫu choáng váng, điên dại, song mẹ vẫn kiên nhẫn chờ cho cuộc hẹn hò của người yêu kết thúc để gặp và nói chuyện về đứa con mẹ đã hoài thai trong bụng. Điều gì xảy ra, sẽ phải xảy ra bộc lộ tận cùng bản chất của vấn đề. Người yêu mẹ, thầy Bí thư Đoàn trường đẹp trai và là thần tượng của biết bao nữ sinh trung học đã thẳng thừng nói với mẹ: “Em bỏ cái thai đi. cuộc đời còn dài, ai biết trước tương lai ra sao mà vội cưới chồng sinh con bây giờ. Với lại anh chưa sẵn sàng cho việc làm cha lúc này”.

    Mẹ lê bước trở lên trường đại học. Nước mắt chan nước mắt. Khi chuyến xe khách đêm đến cầu BT cách trường của mẹ mấy km, mẹ đã dừng xe lại. Mẹ đi xuống mé cầu và điên cuồng với một ý nghĩ là phải tự tử, phải chết. Mẹ rơi vào trạng thái cùng cực của một người vừa mất hết tất cả, không có cơ hội để sửa chữa sai lầm, không có tương lai để đi về phía trước, không hy vọng để có thể bắt đầu làm lại. Dẫu sao mẹ cũng mới chỉ là cô gái 18 tuổi. Thời của mẹ cách đây 30 năm việc phá thai đâu có dễ dàng gì nhất là với một sinh viên tay trắng như mẹ. Việc nữa, có thai khi đang đi học, đó là một nỗi ô nhục của gia đình, dòng họ. Mẹ cùng quẫn!

    Mẹ không kịp nghĩ gì nữa khi nhắm mắt gieo mình xuống dòng nước giá lạnh trong đêm tối mịt mờ. Nhưng số phận đã không cho mẹ dễ dàng được buông bỏ để ra đi, để biến mất tăm mất dạng trong cuộc đời này. Khi mẹ đứng bắt xe khách, mẹ không hề biết rằng số phận run rủi thế nào lại để cha tôi có mặt trên chuyến xe khách ấy. Cha tôi không xuất sắc như mẹ, cha chỉ đỗ vào Trung cấp Công Nghiệp cách trường của mẹ 3 cây số. Thứ 7 tuần nào cha chẳng đến phòng mẹ trồng cây si cho dù biết mẹ đã có người yêu, và mẹ nói rõ giữa hai người chỉ có bạn bè học với nhau suốt mười năm qua. Mặc kệ, cha vẫn âm thầm yêu mẹ, như tình yêu trên đời này không có áp lực gì ngăn cản nổi. Trên chuyến xe khách ấy cha nhìn thấy mẹ thất thần, đôi mắt sưng húp vì khóc nhiều nên cha chưa kịp hỏi mẹ. Cha chỉ lặng lẽ ngồi từ phía sau quan sát. Khi thấy xe chạy đến cầu BT, mẹ đột ngột dừng xe đi xuống, thậm chí còn không buồn xách chiếc ba lô con, hành trang của mẹ, cha đã vội vã tụt xuống xe, ôm ba lô chạy theo mẹ.

    Thấy mẹ đứng một mình bất động như pho tượng nơi thành cầu, cha chỉ linh cảm rằng, mẹ có chuyện gì đó buồn lắm nên mới vậy. Cha còn chần chừ chưa biết sẽ xuất hiện bên mẹ ra sao trong tình huống tế nhị này. Cha không đủ tinh tế hay sự trải nghiệm của một người đàn ông đã trưởng thành để cảm nhận hết sự bùng nổ đầy tuyệt vọng trong mẹ. Cha còn quá trẻ, 18 tuổi, làm sao cha hình dung được cảm xúc của một thiếu nữ thất tình tuyệt vọng muốn đi tìm tới cái chết. Thế nên khi mẹ gieo mình xuống dòng nước giá lạnh trong đêm đen, cha đã lao tới thét lên kinh hãi mà không thể kịp để níu mẹ lại khỏi tử thần. Tiếng thét của cha bàng hoàng xé toạc màn đêm làm kinh động người lái đò đang gác mái chèo nằm ngủ ngay mé chân cầu. Hai người đàn ông đã cứu cuộc đời của mẹ, đó là người lái đò bao nhiêu năm làm từ thiện vớt xác người đuối nước trôi sông trên cầu BT và cha. Cú rơi tự do của mẹ ở mé chân cầu đã không làm cho mẹ ngập nước hẳn để dòng sông có thể nhấn chìm mẹ và cuốn mẹ đi thanh thản vào cõi chết. Nhưng cú ngã từ trên thành cầu xuống va đập vào bãi đá cạn đã làm cho mẹ liệt não một thời gian dài.

    Mẹ nằm viện, bảo lưu kết quả học và cha là người đàn ông duy nhất bên mẹ khi mẹ tận cùng của cơn bĩ cực. Hôn mê mất một tuần, khi mẹ tỉnh dậy thì cha đã ở bên cạnh mẹ như thể cha là người thân máu mủ ruột rà của mẹ. Cái thai không giữ được vì cú va đập quá mạnh. Cha lặng lẽ ký vào mọi giấy tờ thủ tục để làm phẫu thuật cho mẹ như một người yêu, một người chồng sắp cưới. Mẹ nằm viện, đã qua được cơn nguy kịch, qua được ranh giới của sự sống và cái chết, ông bà ngoại mới được cha báo tin. Ông bà ngoại tôi lúc bấy giờ mới cuống cuồng chạy ra viện.

    Không thể nói hết nỗi bàng hoàng của ông bà ngoại tôi khi chứng kiến mẹ tôi nằm bất động trên giường bệnh, đầu tóc cạo trắng xoá vì sau ca mổ cấp cứu. Ông bà ngoại tôi quá sốc và đau khổ trước tai nạn của con. Sau khi nghe bác sỹ kể lại toàn bộ việc con gái bị tai nạn ra sao, nhảy cầu tự tử thế nào, rồi cái thai trong bụng bị sẩy do cú va đập mạnh, ông bà ngoại tôi không còn có thể giữ được bình tĩnh nữa. Ông bà đã gặp cha tôi để hỏi chuyện cho rõ ràng, vì lâu nay chỉ biết hai đứa là bạn bè chứ không hề biết là chúng nó yêu nhau. Không ngờ cha tôi đã cúi đầu nhận hết mọi tội lỗi, và thừa nhận chính mình là tác giả cái thai trong bụng mẹ tôi. Ông bà ngoại tôi không còn sức để mà đau khổ nữa. Bà ngoại chỉ biết khóc và chửi mắng cha tôi thậm tệ, đã từ mặt cha tôi vì gây ra tai họa khủng khiếp cho con gái. Ông bà còn cấm tiệt không cho cha đến chăm nom mẹ tôi. Ông ngoại tôi còn viết đơn tố cáo lên Trường TC-CN nơi cha đang học năm thứ hai với đầy đủ bằng chứng để nhà trường kỷ luật đuổi học cha.

    Sau tai nạn, mẹ bị liệt hai chân, tinh thần bị chấn động nặng, mẹ chỉ biết khóc và khóc. Mẹ không thể học tiếp đại học được nữa. Giấc mơ trở thành cô giáo dạy văn của mẹ dở dang
    Khi tất cả bạn bè, người thân của mẹ đều không thể đến bên mẹ, ở cùng mẹ và động viên mẹ nhiều được nữa vì họ còn phải trở về bận bịu với công việc học hành, phấn đấu; về với cuộc sống riêng tư thì người còn lại duy nhất sau cùng bên cạnh mẹ, đó là cha. Cha bị đuổi học do nhận là người yêu của mẹ, người gây ra tai nạn và hậu quả đáng tiếc cho mẹ...
    Giấc mơ thiếu nữ và ước vọng trở thành cô giáo dạy văn cấp III của mẹ tôi đã bị dập tắt một cách phũ phàng. Mẹ đối diện với thực tại bi thảm. Không niềm tin vào tình yêu, quá đau đớn bởi sự bội bạc của người tình, và tuyệt vọng vì tình trạng sức khoẻ của bản thân. Mẹ tôi giờ đây trở thành người con gái tàn phế, phải tạm thời rời giảng đường đại học để rong ruổi cùng cha mẹ già trong hành trình đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác với hy vọng phục hồi được chức năng đôi chân.

    Mặc dù ông bà ngoại đã gặp Ban giám hiệu nhà trường nơi mẹ đang học đại học để trình bày hoàn cảnh của mẹ và xin bảo lưu kết quả học tập của mẹ trong 1 năm qua nhưng mẹ nhất quyết không bao giờ có ý định trở lại giảng đường để tiếp tục giấc mơ trở thành cô giáo của mình. Mẹ chìm nghỉm trong các bệnh viện, trong những cơn đau đớn thể xác và sự hành hạ ghê gớm về tinh thần. Từ một cô gái sôi nổi, vui tính và nhiều ước mơ, mẹ biến thành một người hoàn toàn khác. Mẹ tự ti, đau khổ, thu mình và luôn nghĩ đến cái chết. Mẹ không buông hy vọng chữa bệnh, phục hồi chức năng nhưng không có nghĩa là mẹ không bám riết lấy ý nghĩ sẽ tìm cách tự tử để kết thúc tình trạng chán chường, bi đát này.

    Khi tất cả bạn bè, người thân của mẹ đều không thể đến bên mẹ, ở cùng mẹ và động viên mẹ nhiều được nữa vì họ còn phải trở về bận bịu với công việc học hành, phấn đấu; về với cuộc sống riêng tư thì người còn lại duy nhất sau cùng bên cạnh mẹ, đó là cha. Cha bị đuổi học do nhận là người yêu của mẹ, người gây ra tai nạn và hậu quả đáng tiếc cho mẹ. Cha quyết định đi học nghề và làm thợ sửa chữa xe máy. Những ngày tháng vất vả đó, cha luôn ở bên cạnh mẹ để động viên tinh thần mẹ vượt qua bất hạnh. Ông bà ngoại tôi vẫn căm ghét và hận thù cha, không tha thứ cho tội lỗi của cha nên đã không chấp nhận cho cha tôi đến thăm nom mẹ. Đến lúc này mẹ tôi mới nói ra với ông bà ngoại tôi tất cả sự thật. Ông bà ngoại tôi lặng người bàng hoàng trước những thú nhận của mẹ.

    Khi nghe xong câu chuyện của mẹ, ông ngoại tôi đã đã nói với mẹ tôi rằng: “Con ơi, con nợ người ta cả cuộc đời con rồi, cha mẹ còn nợ người ta một gánh nặng oán hận mà cha mẹ đã gieo cho họ. Biết lấy gì để chuộc lỗi đây hả con”. Nói rồi ông ngoại khóc. Ông đi tìm cha tôi rồi quỳ trước mặt cha tôi tạ lỗi. Cuộc gặp gỡ, ông ngoại tôi dứt khoát quỳ trước cha, một chàng thanh niên trẻ chỉ đáng tuổi con của ông để xin cha tôi tha thứ cho sự hiểu lầm và những gì mà ông bà ngoại tôi đã gây ra cho cha tôi. Cha cuống quýt đỡ ông dậy rồi cả cha và ông đều khóc. Cha chỉ nói với ông ngoại tôi một điều duy nhất: “Xin cha cho phép con chăm sóc HT. Con thương cô ấy nhiều lắm”. Cha chỉ nói được có vậy mà ông ngoại tôi lại quỳ xuống đất khóc nức nở.

    Cha vừa đi học, vừa đi làm thêm ở trung tâm sửa chữa xe máy. Cuối ngày, cha lại vào viện với mẹ, đi lại chăm sóc mẹ tận tình chu đáo như một người chồng, đó là điều mà cả mẹ, bạn bè của cha và mẹ, của ông bà người thân xung quanh đều không thể lý giải nổi. Một thanh niên trẻ trung, trong trắng, đầy sức sống, chưa từng có người yêu theo đúng nghĩa, lại quyết tâm dành hết tình cảm, tình thương và cả tương lai tươi sáng ở phía trước cho một người con gái đã tàn phế cả cơ thể, lẫn tinh thần bởi những vết sẹo tâm hồn và thể xác không bao giờ liền vết được. Không ai hiểu nổi tại sao cha lại quyết định gắn bó cả cuộc đời với mẹ. Gia đình của cha tôi biết chuyện đã phản đối kịch liệt. Ông bà nội tôi còn lên nhà nói với bà ngoại tôi rằng: “Ông bà đã đau khổ khi gần như mất đi một người con, ông bà đừng để cho chúng tôi cũng đau khổ như ông bà khi mất thêm một đứa con nữa. Chúng tôi không muốn nhìn thấy con mình bất hạnh”.

    Mặc cho ông bà nội van xin, khóc lóc, thậm chí dọa từ mặt, cha tôi vẫn thương mẹ tôi, người con gái tật nguyền ngồi trên chiếc xe lăn với bao vết thương lòng vây kín trong tâm hồn. Mẹ tôi không chịu nổi sự đàm tiếu của dư luận, sự phản ứng thường tình của xóm giềng, sự mặc cảm thân phận, mẹ đã bí mật bỏ nhà ra đi trên chiếc xe lăn đau khổ của mẹ. Không ai hình dung được mẹ có thể quyết liệt bỏ nhà ra đi với tình trạng cơ thể như vậy. Mẹ bỏ đi đâu được với hai bàn tay trắng và đôi chân tật nguyền không thể tự vệ sinh cá nhân. Cả nhà đổ đi tìm, cha tôi ngược xuôi tất tả lên những chuyến xe Nam - Bắc để tìm mẹ. Tuyệt nhiên không thấy tăm dạng của mẹ ở nơi đâu. Cả nhà đã nghĩ đến tình huống xấu nhất rất có thể mẹ đã tìm cách tự tử. Ông bà ngoại tôi đi báo công an về sự mất tích của mẹ. Cha tôi ngược xuôi sông ngòi, ngược xuôi những nơi mà cha dự đoán có thể mẹ nghĩ dại mà tìm đến cái chết, hoặc không ngoại trừ tình huống mẹ tá túc ở đâu đó sống cuộc đời ẩn dật để trốn tình cảm của cha, trốn những dằn vặt trong lòng.

    Không ai biết được rằng, mẹ đã bí mật nhờ một người quen cùng cảnh ngộ từng điều trị trong bệnh viện với mẹ liên hệ với trung tâm những người khuyết tật ở tận ĐL. Mẹ đã nhờ người quen mua vé xe đưa mẹ lên xe tuyến Bắc - Nam để vào tận trung tâm dành cho người khuyết tật này. Mẹ muốn đi xa quê, rời bỏ quá khứ đau buồn, đoạn tuyệt với cha để cha có thể có cơ hội đến với những người con gái lành lặn khác, để cuộc đời cha có thể có được hạnh phúc đích thực. Chứ không phải là cả đời cha phải chia sẻ bất hạnh và khổ đau với mẹ. Nhưng mẹ đã nhầm. Tình yêu của cha mạnh hơn bão, nặng hơn núi, sâu hơn biển. Cha tìm mẹ ròng rã suốt hai năm. Cứ mấy tháng một lần, khi dành dụm được chút tiền lương từ trung tâm sửa chữa xe máy, cha lại nghỉ vài tuần để đi tìm mẹ.

    Cũng may công việc sửa chữa xe máy của cha hồi đó là một công việc rất tốt, thịnh hành, có thu nhập cao. Cha khéo tay, giỏi nghề nên ngoài việc làm ở trung tâm, cha còn có những khách hàng tới nhà để sửa chữa nên tiền cha kiếm được không phải là ít. Thế nhưng ròng rã 2 năm, bao nhiêu tiền kiếm được, cha tiêu phí hết vào chuyện đi tìm mẹ. Không một ai lý giải nổi tình yêu của cha với mẹ. Trong tim cha duy nhất chỉ có mẹ, dù mẹ có tàn phế đến vậy, tâm hồn đã từng nhàu nát vì yêu như vậy thì cha cũng chỉ muốn có mỗi mẹ mà thôi.

    Có lẽ ông trời cảm thương tấm lòng mênh mông biển trời của cha, và tình yêu mà cha dành cho mẹ nên đã để hai người tìm thấy nhau chăng. Không có một trung tâm khuyết tật nào mà cha không tìm cách liên lạc hỏi thăm bằng thư từ, bằng điện thoại về một người con gái bị liệt hai chân tên HT, địa chỉ, quê quán cụ thể. Cuối cùng cha đã đến được trung tâm nơi mẹ đang tá túc ở tận miền rừng núi ĐL. Lần đầu tiên sau 2 năm bỏ quê ra đi, gặp cha mẹ bị ngất xỉu. Khi tỉnh lại, cứ thế là khóc, nước mắt tuôn rơi. Mẹ cũng không thể hiểu nổi vì sao cuộc đời từng đắng cay với mẹ lại có thể cho mẹ có được sự ngọt lành. Đó là diễm phúc lớn tình yêu trong sáng, cao thượng và nhiều hy sinh của một chàng trai trẻ tự nguyện yêu thương mẹ, gắn kết cuộc đời lành lặn của họ với cuộc đời tật nguyền của mẹ. Người con trai ấy đã có mặt bên cạnh mẹ những lúc mẹ gặp tai họa, ở bên mẹ khi cuộc đời mẹ chìm trong bể khổ, và vượt qua bao ngăn trở quyết liệt đi tìm mẹ với một tình yêu không gì có thể ngăn trở nổi.

    Cha và mẹ đã có được nhau trong hoàn cảnh như vậy, sau bao kiên trì của cha. Để cho mẹ đỡ tự ti với hoàn cảnh và bản thân cha đã ở lại ĐL lập nghiệp. Cha đã xin vào trung tâm khuyết tật làm việc và mở một cửa hiệu sửa chữa xe máy nho nhỏ vừa để kiếm thêm thu nhập nuôi mẹ, vừa để dạy nghề miễn phí cho những người đàn ông khuyết tật tại trung tâm. Cha đã tìm đến được ngôi nhà cho mẹ nương náu và cha đã ở lại hy sinh vì mẹ, để có thể yên tâm thương lo cho mẹ suốt cả cuộc đời. Các cô chú ở trong trung tâm đã đón nhận cha như đón nhận một phép mầu của cuộc đời mẹ, và cả những cuộc đời khuyết tật khác ở trung tâm này. Các anh chị ơi, viết đến đây, tôi bật khóc. Nước mắt hạnh phúc cứ chảy ra giàn giụa trên gương mặt mà không ngăn nổi. Tôi chia sẻ ra những cảm xúc thực lòng này không biết mọi người có cho là tôi tự nhiên quá không. Nhưng đó là những gì tuôn trào trong tôi lúc này. Tự bản thân tôi mỗi lần nghĩ đến cha vẫn run rẩy trong lòng với ý nghĩ tại sao cuộc đời lại may mắn ban cho chúng tôi một người cha có một không hai trên đời như thế.

    Cha mẹ sinh ra tôi và một em trai nữa. Hạnh phúc đã ban xuống cuộc đời của mẹ tròn đầy khi cho mẹ hai đứa con của cha. Mặc dù bị liệt nửa người như vậy nhưng khả năng sinh nở và làm mẹ của mẹ vẫn bình thường. Cũng có thể là ông trời đã rón tay làm phúc thêm cho mẹ, để mẹ thực hiện được thiên chức của người phụ nữ, sinh được cho cha hai con. Bù lại cho tình yêu trời biển của cha với mẹ. Mẹ không đi lại được, mọi việc vệ sinh cá nhân, rồi mang thai sinh nở đều do cha phải lo. Chúng tôi ra đời trên tay cha, và cũng chỉ một mình cha là chủ yếu, chăm sóc chúng tôi từ khi còn đỏ hỏn cho đến lúc trưởng thành.

    Nhưng cuộc đời của mẹ chưa hết những phép mầu. Khi chúng tôi lên 5 tuổi, cha gặp cha con một cụ thầy lang dân tộc tình cờ khi đi qua đường xe bị hỏng ghé qua cửa hàng cha tôi để sửa chữa. Nhìn thấy mẹ tôi ngồi trên xe lăn, ông thầy lang đã bấm huyệt cho mẹ và sau khi bấm huyệt xong đã quả quyết với cha tôi có thể chữa cho mẹ đi lại được nhưng gia đình phải thật kiên trì. Cha không hy vọng nhiều nhưng vẫn theo cụ vào núi lấy thuốc cho mẹ uống. Sau 1 năm trời ròng rã uống thuốc của cụ lang này, mẹ tôi đã tự đứng dậy và đi lại được. Tự làm được những việc lặt vặt như vệ sinh thân thể cá nhân, rồi đi lại trong nhà. Tuy nhiên do bị liệt khá lâu nên hai chân của mẹ yếu hơn song mẹ đã tự đi lại được khoảng cách ngắn trong nhà đã là một điều quá sức tưởng tượng. Bây giờ hai chân mẹ vẫn yếu, chỉ là đi lại trong nhà thôi, không đi được đâu xa nhưng dù sao mẹ không còn quá phụ thuộc vào chiếc xe lăn nữa. Mẹ quá sung sướng, trẻ khoẻ ra bội phần và càng yêu cha hơn, trân trọng tình cảm của cha đã dành cho mẹ. Mẹ luôn nói với chúng tôi, ông trời đã thương mẹ mà mang cha đến cho mẹ. Cha đã cứu đời mẹ, kiếp này mẹ không trả ơn cho cha nổi. Hạnh phúc của cha mẹ tôi đến lúc này là cả một quá trình nỗ lực phấn đấu, chiến đấu với số phận. Một hạnh phúc quá lớn không dễ dàng có thể có được.

    Cha mẹ tôi đã sống hạnh phúc bên nhau trong gần 25 năm qua. Các con đều đã lớn, có công ăn việc làm. Năm nào tết đến, cả nhà tôi cũng theo cha mẹ về quê ăn tết. Ông bà nội ngoại hai bên đã hết phân vân với cuộc hôn nhân của cha mẹ tôi và rất tự hào về người con hiếu thảo như cha tôi. Vậy đó, câu chuyện tình kỳ lạ trong cuộc đời của mẹ tôi là vậy. Rất nhiều lần tôi đã tự hỏi trên đời này có được mấy người đàn ông như cha tôi. Thế nhưng, càng lớn lên, đi nhiều, đọc nhiều, tiếp xúc nhiều, tôi cũng hiểu ra rằng, trên đời còn vô vàn những người tốt. Lòng tốt ấy có thể là kỳ lạ, là bất bình thường, thậm chí trái với tự nhiên song vẫn xảy ra và như một phép mầu kỳ diệu mang hạnh phúc đến cho những người không may mắn phải không ạ?.

    Kính thư: Nguyễn Thị An Lành

    nguồn: Báo ANTG!


    Lời BBT

    Bạn An Lành thân mến!

    Lâu lắm rồi chúng tôi mới lại nhận được một câu chuyện có một cái kết có hậu, đẹp và cảm động như câu chuyện tình kỳ lạ của cha mẹ bạn.

    Câu chuyện của bạn như một phép nhiệm mầu huyền diệu không thể giải thích. Nó thắp lên trong cuộc sống của chúng ta những ánh sáng lung linh về lòng cao thượng, đức hy sinh. Đánh thức trong tâm hồn, trái tim chúng ta những khơi gợi về hai chữ “SỐNG ĐẸP”.

    Thay mặt BBT Những câu chuỵên khó tin nhưng có thật, chúng tôi gửi tới cha mẹ bạn, gia đình bạn những lời chúc tốt lành nhất. Cầu mong cho cuộc đời của mẹ bạn và các thành viên trong gia đình bạn tiếp tục An Lành như tên mà mẹ bạn đã đặt cho con gái đầu lòng của bà. Xin trân trọng cảm ơn.
     
  2. Anonymous

    Anonymous Khách

    mẹ kính yêu của con......................
     

Cộng đồng Ketqua1.net